Posted in TÀI LIỆU CHĂM SÓC DA

Mỹ phẩm là những sản phẩm dùng ngoài cơ thể để làm đẹp, làm sạch hay bảo vệ da, tóc, răng, v.v . Về nguyên tắc, mỹ phẩm không được chứa bất kỳ hoạt chất thuốc nào có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của da. Tuy nhiên việc phân chia mỹ phẩm và thuốc không phải lúc nào cũng rõ ràng, ví dụ như dầu gội đầu trị gàu là mỹ phẩm vì nó dùng để làm sạch da đầu và tóc nhưng lại có chứa thành phần thuốc để điều trị viêm da đầu và gàu. Những sản phẩm này cần phải đạt tiêu chuẩn của cả mỹ phẩm và của thuốc.

Mỹ phẩm hiện nay rất đa dạng , bao gồm các nhóm sau:

  • Sản phẩm trang điểm mặt: trang điểm mắt, son môi, má hồng…
  • Móng: sơn móng, nước rửa móng
  • Chăm sóc da: sữa rửa mặt, dưỡng ẩm, toner
  • Chăm sóc tóc: dầu gội, thuốc nhuộm,..
  • Chăm sóc răng miệng: kem đánh răng,..
  • Chăm sóc cơ thể: xà phòng bánh, sữa tắm, lotion,..
  • Cạo lông: bọt/ kem cạo lông/râu, lotion sau khi cạo
  • Các loại dầu thơm, xịt khử mùi, đuổi côn trùng
  • Kem chống nắng

CÁC PHẢN ỨNG DA DO MỸ PHẨM

Việc sử dụng mỹ phẩm, nhất là những người lạm dụng mỹ phẩm có thể bị một số phản ứng phụ do mỹ phẩm gây ra mà người ta thường gọi là Dị ứng mỹ phẩm. Tuy nhiên từ Dị ứng mỹ phẩm không chính xác để chỉ  những tác dụng phụ do mỹ phẩm do các phản ứng đó có thể do nhiều cơ chế phức tạp gây ra : có thể có sự tham gia của yếu tố miễn dịch – gây dị ứng thật sự, hoặc không – do kích ứng… Theo một nghiên cứu thống kê năm 2010 có hơn ⅓ trong tổng số 900 người tham gia có ít nhất 1 phản ứng với mỹ phẩm.

Các dạng phản ứng với mỹ phẩm có thể từ nhẹ như phát ban dị ứng thoáng qua đến các tình trạng nặng đe doa tính mạng như phản vệ. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi sử dụng 1 mỹ phẩm mới hay xuất hiện lần đầu sau một thời gian dùng 1 loại mỹ phẩm cũ đã nhiều năm.

Mỹ phẩm có thể gây ra 1 loạt các phản ứng sau:

  • Mề đay tiếp xúc: mề đay (những sẩn/ mảng phù màu đỏ hay hồng nhạt) kèm cảm giác bỏng rát, châm chích, ngứa trong vòng vài phút cho đến 1 giờ sau khi tiếp xúc với mỹ phẩm. Phát ban mề đay thường sẽ mất trong vòng 24 giờ
  • Phản ứng phản vệ: Phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng nặng, hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không kịp thời can thiệp. Phản ứng phản vệ gây khó thở, buồn nôn và nôn ói, da có thể nổi mề đay và phù mạch. Các dị ứng nguyên trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc được báo cáo có thể gây phản vệ nặng và tử vong

  • Viêm da tiếp xúc kích ứng do mỹ phẩm: Viêm da tiếp xúc kích ứng chiếm đa số trong các trường hợp viêm da tiếp xúc (80%), xảy ra khi có tác nhân gây tổn thương thực sự hàng rào bảo vệ da. Biểu hiện da thường có cảm giác bỏng rát nhẹ, ngứa, châm chích hay đỏ ngay sau khi sử dụng mỹ phẩm. Trên da xuất hiện các mảng hồng ban, tróc vảy. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện bóng nước, rỉ dịch, nhất là khi cào gãi.

Viêm da kích ứng do mỹ phẩm thường xuất hiện ở người có cơ địa chàm hơn. Nếu mỹ phẩm có chất gây kích ứng mạnh, phản ứng có thể xảy ra lập tức trong vòng vài phút tới vài giờ sau khi tiếp xúc. Nếu kích ứng nhẹ, phản ứng xảy ra muộn hơn, sau vài ngày đến vài tuần tiếp tục tiếp tiếp xúc với chất kích ứng

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng do mỹ phẩm:  để chỉ các phản ứng xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể nhạy cảm với một dị ứng nguyên nhất định nào đó. Phát ban xuất hiện sau 12 giờ tiếp xúc với dị ứng nguyên trong mỹ phẩm và đạt mức tối đa trong vòng 48 giờ. Triệu chứng bao gồm đỏ, sưng, phù nề, rất ngứa và nổi mề đay. Khác với tình trạng kích ứng (các dấu hiệu chỉ khu trú ở vùng tiếp xúc), dị ứng có thể xuất hiện ngoài vùng da tiếp xúc, lan rộng toàn thân, nhưng thường nhất là mặt, môi, mắt và cổ
  • Viêm da tiếp xúc ánh sáng: xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời sau khi sử dụng một loại mỹ phẩm có thành phần nhạy cảm ánh sáng.

Một số người có thể có nhiều dạng phản ứng do mỹ phẩm khác nhau cùng xảy ra.

CÁC THÀNH PHẦN GÂY DỊ ỨNG

Mỹ phẩm hiện nay rất đa dạng nên các chất có thể gây dị ứng trong mỹ phẩm cũng rất nhiều và khó xác định. Tuy nhiên một số chất được cho là nguyên nhân thường nhất và dễ gây ra các phản ứng nhất là các chất tạo mùi “ fragrance” thường có trong các loại nước hoa, dầu gội, xả, dưỡng ẩm…; chất bảo quản “Preservative” như paraben, formaldehyde, imidazolidinyl urea,… ; ; và Paraphenylenediamine PPD trong các sản phẩm thuốc nhuộm.

Dị ứng do thuốc nhuộm tóc

Khi có các dấu hiệu bất thường khi sử dụng mỹ phẩm, bạn nên ngưng tiếp xúc ngay lập tức với nó. Nếu triệu chứng trầm trọng nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị thích hợp.

PHÒNG NGỪA CÁC PHẢN ỨNG DỊ ỨNG- KÍCH ỨNG DO MỸ PHẨM

Cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng- kích ứng mỹ phẩm là không tiếp xúc với các chất gây dị ứng – kích ứng trong mỹ phẩm:

  • Cần đọc kỹ thành phần của loại mỹ phẩm sử dụng. Một số mỹ phẩm dán nhãn “Unscented” nhưng không có nghĩa là không chứa chất tạo mùi mà nhà sản xuất sử dụng các chất tạo mùi để át đi mùi của hóa chất khác. Do đó nên lựa chọn những sản phẩm gắn mác “ Fragrance-free” hay “without perfume” để đảm bảo không có chất tạo mùi.
  • Trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới nên thử lượng nhỏ ở vùng da nhỏ mặt trong cổ tay và theo dõi trong vòng 24-48h
  • Nên lựa chọn những sản phẩm có thành phần đơn giản để hạn chế nguy cơ có thành phần gây dị ứng
  • Nước hoa nên xịt vào quần áo thay vì trực tiếp lên da và để khô trước khi mặc áo
  • Lựa chọn các sản phẩm ít gây dị ứng “Hypoallergenic”, hay không gây nhân mụn “non- comedongenic”. Tuy nhiên cũng cần cẩn trọng vì chúng cũng có thể gây một số phản ứng phụ.

There are no reviews yet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hãy nhập từ khoá bạn muốn tìm và nhấn enter

Shopping Cart
error: Nội dung được bảo vệ!